Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

5 năm chiến đấu với vi khuẩn ăn thịt người

Năm 2005, Sandy Wilson đang mang thai 7 tháng rưỡi thì bị nhiễm khuẩn. Ca mổ cấp cứu đã đưa cậu bé con chị ra ngoài khỏe mạnh, nhưng chị thì vấp phải căn bệnh kinh hoàng tàn phá cơ thể gần 2 năm, 6 tháng sau đó.
Tỉnh dậy sau ca mổ đẻ, Sandy Wilson - y tá nhi tại một trung tâm y tế, bệnh viện Đại học Maryland, Mỹ - tình cờ nhìn xuống bụng mình và chết lặng khi nhìn thấy, thay cho lớp da bụng bình thường là một thứ tương tự như trong các tử thi y tế, vốn được sử dụng để giảng dạy các sinh viên y khoa - toàn bộ nội tạng phơi ra ngoài, dưới một tấm nhựa trong suốt.
"Tất cả da bụng đã biến mất và tôi có thể nhìn rõ từng nội tạng trong cơ thể mình. Tôi thậm chí còn nhớ ruột của mình ra sao nữa. Tôi đã nghĩ "Không cách gì để có thể sống thế này cả... Thật là một bản án tử hình".
Các bác sĩ đã nhanh chóng giải thích rằng tình trạng hiện tại của chị là do vi khuẩn - chúng đã ăn toàn bộ lớp da và đang ăn dần cả nội tạng bên trong.

Bức ảnh chụp hôm 25/6/2010, Sandy Wilson ở bang Baltimore, Mỹ. Chị đã trải qua 5 năm vật lộn với căn bệnh do vi khuẩn ăn thịt người gây ra. Ảnh: kansascity.
Trên thế giới, chỉ có vài ca nhiễm trùng đáng sợ có tên gọi "viêm cân mạc hoại tử" như vậy. Nó chủ yếu tấn công những người béo phì, tiểu đường, bệnh nhân ung thư, người ghép tạng và những người có hệ miễn dịch yếu. Bệnh gây tử vong cho 20% số nạn nhân và gây biến dạng nghiêm trọng 80% số còn lại.
"Viêm cân mạc hoại tử" - còn được biết đến với tên gọi căn bệnh ăn thịt người hoặc hội chứng vi khuẩn ăn thịt người, là một dạng nhiễm trùng hiếm gặp các lớp cân mạc và mô nằm sâu dưới da.
Để điều trị, bác sĩ sẽ cắt bỏ những phần mô chết. Tuy nhiên, do khả năng lan rộng rất nhanh của bệnh nhiễm trùng này, đôi khi các bác sĩ buộc phải phẫu thuật liên tiếp để ngăn ngừa căn bệnh hung hãn lan khắp cơ thể.
Trước kia, bệnh thường do một tuýp vi khuẩn streptococcus gây ra. Tuy nhiên, gần đây người ta phát hiện ra loại khuẩn mới kháng thuốc có tên gọi MRSA, gây ra nhiều trường hợp nhiễm trùng khó chữa, và đang tiến hóa trở thành một vi khuẩn siêu kháng thuốc ăn thịt người, thu hút sự chú ý của các chuyên gia y tế thế giới. Loại vi khuẩn này đã tấn công cơ thể Sandy Wilson.
Theo Examiner, cuộc chiến đấu của Sandy bắt đầu sau ca mổ đẻ, ngày 1/4 năm 2005. Ngay lập tức, chị xuất hiện chứng máu đóng cục và đã phải truyền các thành phần máu lấy từ hàng trăm người hiến.
Sau vài tuần, chị được trở về nhà, nhưng chỉ kéo dài 2 ngày. Dịch ứ lại quanh vết mổ và huyết áp của chị tụt nhanh chóng. Chị được chyển ngay đến viện cấp cứu, và vào phòng mổ, nhưng bác sĩ nhanh chóng đóng vết mổ lại khi nhận ra căn bệnh mà chị đang mắc.
Trong hai tuần tiếp đó, Sandy được cho dùng thuốc an thần gây mê, trong khi bác sĩ tiếp tục cắt bỏ những mô bị thối rữa và rút dịch lỏng qua chỗ vết mổ.
"Tôi không thể nhớ nổi số lần đã mổ cho cô ấy, khoảng 40, 50 gì đó. Cứ mỗi khi trở lại, chúng tôi lại thấy đã không kiểm soát được bệnh nhiễm trùng đang lan ra", bác sĩ phẫu thuật cho chị kể lại.
Chỉ sau khi tình trạng của chị ổn định, bác sĩ mới quyết định đánh thức chị khỏi cơn hôn mê để thông báo tình hình. Bên cạnh giường bệnh là chồng chị, gia đình và bạn bè thân thiết nhất. Chị đã sợ rằng con trai mới sinh của mình đã chết. Nhưng cậu bé vẫn sống và khỏe mạnh.
Khi bé Christopher được vài tháng tuổi, bác sĩ đưa Sandy vào phòng cách ly và mang con của chị sang phòng đối diện để chị cảm thấy gần gũi với bé và nhìn thấy bé lớn lên.
"Khi đó tôi đã nghĩ, ổn rồi, con ở đây rồi, con là thật đây rồi. Mình sẽ trở về nhà với con, sẽ tốt hơn thôi".


Xem thêm:

Bức ảnh hồi tháng 4/2005 của Sandy khi người nhà đưa bé Christopher cho chị bé tại trung tâm y tế Anne Arundel. Ảnh: kansascity.
Nhưng, căn bệnh viêm cân mạc hoại tử mới chỉ bắt đầu...
Trong những tuần sau đó, Sandy bắt đầu có các lỗ rò trên cơ thể. Vi khuẩn dần ăn thủng ruột của chị, khiến thức ăn trong đó rỉ ra ngoài da. Trong 2 năm sau đó, chị hoặc là nằm trong trung tâm chống hoại tử, hoặc là trong bệnh viện phục hồi chức năng để cố gắng làm lành vết thương. Gia đình mang bé Christopher đến thăm chị hai tuần một lần.
"Thật là khó khăn vượt sức tưởng tượng", chị Wilson kể lại. "Tôi muốn cho con ăn, tắm cho bé và mặc quần áo cho bé. Muốn dỗ bé khi bé khóc. Tôi từng làm việc trong phòng cấp cứu nhi 11 năm. Tôi đã chờ đợi cả đời để được điều làm này với chính con của mình, để chăm sóc cho nó, và tôi đã không thể".
Sinh nhật đầu tiên của bé Christopher là ở trong bệnh viện phục hồi chức năng. Đến sinh nhật thứ hai, Sandy bị hôn mê cưỡng bức và không thể nhận ra bất kỳ ai, kể cả con mình.
Tình trạng bệnh tật khiến Sandy tuyệt vọng và kiệt sức. Những cơn đau hành hạ triền miên, khiến cho ý nghĩ tự tử đôi khi thấp thoáng trong đầu chị.
Đã có lúc, chị nhờ một y tá, cũng là bạn mình, mang cho chị một chai Tylenol, mà các y tá đều biết rằng sẽ khiến chị tử vong. Sau lần đó, bệnh viện cử người canh gác chị nghiêm ngặt. "Họ không để cô ấy một mình bất kỳ lúc nào nữa", mẹ của Sandy kể lại.
Do nhiễm trùng lan hết vào các nội tạng, đến tháng 12/2006, ruột non của Sandy chỉ còn lại một đoạn nhỏ, và chị bắt đầu xuất hiện các trục trặc ở gan. Giải pháp duy nhất và cũng là mạo hiểm: phẫu thuật cấy ghép ruột non.
Trong gần 500.000 ca ghép ruột thực hiện tại Mỹ trong 2 thập kỷ vừa qua, chỉ có chưa đầy 2.000 người được ghép ruột non. Bác sĩ chỉ thực hiện việc này khi chắc chắn rằng bệnh nhân có thể sẽ chết.
"Tất cả những gì chúng tôi thấy trong ca mổ là bộ ruột với các lỗ chi chít, giống như một búi sâu đã thoát ra khỏi thành bụng", bác sĩ mổ cho chị kể lại. "Thật là tồi tệ".
Bác sĩ đã cắt bỏ phần ruột bệnh còn lại của Sandy và những phần cơ bụng bị thối rữa. Đó là cuộc phẫu thuật triệt để nhất và chị đã phải thở máy trong một tháng sau đó.
Ca phẫu thuật dường như thành công mỹ mãn. Bác sĩ tiếp tục cấy ghép ruột già cho chị. 30 ngày sau đó, kỳ diệu thay, Sandy đã ăn được bữa ăn đầu tiên kể từ tháng 5/2005.
Nhưng bữa ăn này cũng khiến chị trả giá nặng. Sandy viêm phúc mạc nặng đến mức chị phải ăn bằng ống truyền trở lại. Sau bài học đắt giá đó, bác sĩ chọn cách từ từ cho chị tiếp xúc trở lại với các bữa ăn bình thường.

Sandy xuất viện vào tháng 1/2008. Kể từ đó, chị phải trở lại viện để kiểm tra vài lần nữa, nhằm đảm bảo rằng những trận ốm thường kỳ không phải dấu hiệu của việc nhiễm trùng nội tạng. Chị cũng phải thực hiện phẫu thuật ghép da và nối đoạn ruột cấy ghép với phần ruột kết của chính chị. Ca phẫu thuật cuối cùng thực hiện vào tháng 2/2010.
Hồi sinh trở lại, song giờ đây, chị phải dùng thuốc giảm miễn dịch cả đời, hậu quả của một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ăn thịt người. Một nỗi buồn khác là sức ép của thời gian nằm viện lâu dài đã kéo người chồng ra xa khỏi chị. Anh chị cuối cùng đã chia tay, tuy nhiên, mối quan hệ của họ vẫn gắn bó nhờ tình yêu với đứa con trai và sự tôn trọng mà họ dành cho nhau.
VNE
 

Chuyện nhỏ trong nhà Template by Ipietoon Cute Blog Design