Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Cảnh báo mối nguy an toàn thực phẩm ngày Tết

Có nhiều loại thức ăn hàng rong nhiễm khuẩn cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành cảnh báo đây là mối đe dọa sức khỏe của nhiều người trong dịp tết


Từ thực tế kiểm tra có nhiều loại thức ăn hàng rong, nước đá nhiễm khuẩn gây bệnh, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành cảnh báo đây có thể là mối nguy đe dọa sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết.
Theo đại diện Sở y tế Quảng Ngãi, trong năm qua và những ngày cuối năm, các đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất hơn 8.200 cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn, phát hiện đến 1.840 cơ sở vi phạm.
“Nhiều mẫu nước đá cây, đá viên tại tỉnh bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli. Ngoài ra, nước uống đóng chai và nhiều mẫu thịt cũng nhiễm khuẩn độc hại. Một số mẫu giò chả cũng có chứa hàn the với hàm lượng cao”, bác sĩ Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cho hay.



Cũng theo ông Oai, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, kết quả cho thấy các loại thức ăn đường phố đều có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn E.coli - loại khuẩn độc hại gây bệnh tiêu chảy.
“Một vài biến thể E.coli có trong thức ăn vốn tạo ra độc chất vô cùng độc hại có thể gây tiêu chảy ra máu. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, suy thận... Những tuýp E.coli khác có thể gây nhiễm trùng đường tiểu hoặc các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”, bác sĩ Oai nói.

9 tấn tương không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị tịch thu tiêu hủy. Hơn 30 tấn tương ớt buộc xử lý tái chế vì có lượng chất Natri benzoate vượt mức cho phép. Cũng trong năm 2010, nhiều cơ sở chế biến thức ăn bị lập biên bản xử lý hành chính vì không đảm bảo vệ sinh, khiến thức ăn gây ngộ độc cho người sử dụng.Ở TP HCM, ngoài nhiều vụ phát hiện các cơ sở sản xuất bánh mứt, nước uống đóng chai không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đợt kiểm tra của những tháng cuối năm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm còn phát hiện nhiều mẫu gia vị không đạt chuẩn về vi khuẩn hiếu khí, men mốc.
Để chấn chỉnh tình hình trên, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là dịp lễ Tết, tại Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết đã lập 67 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó trọng tâm nhất là kiểm tra các cơ sở sản xuất nem chả, bánh mứt, nước giải khát.
Theo bác sĩ Tiến, một số cơ sở chế biến thực phẩm lén lút sử dụng các hóa chất phụ gia trong quá trình sản xuất, chất phẩm màu ngoài danh mục như dùng hàn the, Rhodamin B, phoocmon trong nem chả, hạt dưa, bánh phở...; dễ gây tổn hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Nếu phát hiện những loại hóa chất cấm dùng trong thực phẩm hoặc không công bố tiêu chuẩn, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cũng lên triển khai các biện pháp giảm thiểu mối nguy ô nhiễm thực phẩm như tăng cường công tác quản lý cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là những cơ sở không thuộc diện đăng ký kinh doanh. Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thông báo danh tính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo mối nguy cho cộng đồng. Chi cục cũng tập huấn và thực hiện cam kết với những cơ sở có thực phẩm bị ô nhiễm.
Tại TP HCM, công tác thanh kiểm tra các mặt hàng trọng yếu phục vụ Tết cũng đang được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm gấp rút tiến hành
VNE

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Một bác sĩ đã trượt tay làm rơi bé sơ sinh vào bếp sưởi

Tại bệnh viện Ankang một bé sơ sinh đã bị bỏng nặng khi rơi vào bếp sưởi dưới giường đẻ mổ. Ngay sau đó được chuyển đến bệnh viện tuyến trên điều trị nhưng các bác sĩ không thấy lạc quan.





Hu Xiaoyong, một bác sĩ trong kíp mổ đẻ này cho biết, khi em bé vừa chào đời thì một bác sĩ đỡ đã không giữ được bé do các chất nhầy quá trơn trên da em. Đứa trẻ đã rơi ngay xuống chiếc bếp sưởi dưới gậm giường, do người cha mang đến vì đèn sưởi của bệnh viện bị hỏng.
Theo tờ China Business News, hiện tại sức khỏe bệnh nhi đã ổn định nhưng em vẫn chưa hết nguy hiểm do vết bỏng khá nặng. Bác sĩ chuyên về chấn thương Dong Maolong cho biết, em bị bỏng 60%, chủ yếu ở lưng.
"Cháu bé sẽ rất khó hồi phục hoàn toàn vì các cơ quan của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ, mà vết bỏng lại rất rộng", bác sĩ Dong nói. Theo ông, sau này em bé có thể cần phải ghép da nhưng cũng khó tránh được các biến chứng sau bỏng.
VNE

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Nhiều hiểu sai về bệnh ung thư



Tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam có xu hướng tăng rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều người còn hiểu sai về bệnh, gần 35% số người được hỏi cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết.
Thông tin được Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cho biết trong buổi hội thảo quốc gia phòng chống ung thư sáng 7/10 tại Hà Nội.
Chỉ riêng trong năm 2010, cả nước có ít nhất hơn 126.000 ca mắc ung thư mới. Tỷ lệ mới mắc ung thư ở cả nam và nữ đều tăng.
Cụ thể, trong năm nay, ước tính tỷ lệ mới mắc ung thư ở nam giới là 181,3 người trên 100.000 dân, cao hơn nhiều so với cách đây 10 năm chỉ có 141,6.
Những loại ung thư có tỷ lệ mới mắc tăng nhiều ở nam giới là ung thư phổi, thực quản, đại trực tràng và tiền liệt tuyến, còn nữ giới là ung thư vú, dạ dày, phổi...
"Có thể nói, hiện nay bệnh ung thư đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng. Cũng vì thế từ năm 2008, bệnh ung thư được đưa vào trong Chương tình mục tiêu quốc gia", giáo sư Đức nói.



Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, một phần ba số trường hợp mắc ung thư có thể dự phòng được, một phần ba có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và một phần ba có thể kéo dài sự sống.
Thế nhưng, nhiều người bệnh lại cho rằng đã bị bệnh ung thư thì chỉ có chờ chết, giáo sư Đức cho biết.
Kết quả khảo sát kiến thức về một số bệnh ung thư phổ biến trong cộng đồng tại 10 tỉnh, thành trong năm 2008 với hơn 8.000 người được hỏi cũng cho thấy, người dân còn rất thiếu hiểu biết về căn bệnh này.
Trong 8 câu hỏi về kiến thức phòng chống ung thư cơ bản thì tỷ lệ trả lời đúng chỉ đạt 35%. Điều đáng nói là vẫn có đến hơn 67% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi. Đặc biệt, hơn một phần ba số người được hỏi cho rằng ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết.
Chính vì sự kém hiểu biết này mà bệnh nhân thường đến bệnh viện khi đã quá muộn làm tăng tỷ lệ tử vong. Chẳng hạn với căn bệnh ung thư vú, chị em hoàn toàn có thể tự khám và phát hiện sớm bệnh. Thế nhưng, có đến 53% số người được hỏi chưa từng nghe nói về tự khám vú để phát hiện ung thư (trong số này có một nửa là phụ nữ). Tỷ lệ ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm chỉ chiếm gần 36%. .

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

5 năm chiến đấu với vi khuẩn ăn thịt người

Năm 2005, Sandy Wilson đang mang thai 7 tháng rưỡi thì bị nhiễm khuẩn. Ca mổ cấp cứu đã đưa cậu bé con chị ra ngoài khỏe mạnh, nhưng chị thì vấp phải căn bệnh kinh hoàng tàn phá cơ thể gần 2 năm, 6 tháng sau đó.
Tỉnh dậy sau ca mổ đẻ, Sandy Wilson - y tá nhi tại một trung tâm y tế, bệnh viện Đại học Maryland, Mỹ - tình cờ nhìn xuống bụng mình và chết lặng khi nhìn thấy, thay cho lớp da bụng bình thường là một thứ tương tự như trong các tử thi y tế, vốn được sử dụng để giảng dạy các sinh viên y khoa - toàn bộ nội tạng phơi ra ngoài, dưới một tấm nhựa trong suốt.
"Tất cả da bụng đã biến mất và tôi có thể nhìn rõ từng nội tạng trong cơ thể mình. Tôi thậm chí còn nhớ ruột của mình ra sao nữa. Tôi đã nghĩ "Không cách gì để có thể sống thế này cả... Thật là một bản án tử hình".
Các bác sĩ đã nhanh chóng giải thích rằng tình trạng hiện tại của chị là do vi khuẩn - chúng đã ăn toàn bộ lớp da và đang ăn dần cả nội tạng bên trong.

Bức ảnh chụp hôm 25/6/2010, Sandy Wilson ở bang Baltimore, Mỹ. Chị đã trải qua 5 năm vật lộn với căn bệnh do vi khuẩn ăn thịt người gây ra. Ảnh: kansascity.
Trên thế giới, chỉ có vài ca nhiễm trùng đáng sợ có tên gọi "viêm cân mạc hoại tử" như vậy. Nó chủ yếu tấn công những người béo phì, tiểu đường, bệnh nhân ung thư, người ghép tạng và những người có hệ miễn dịch yếu. Bệnh gây tử vong cho 20% số nạn nhân và gây biến dạng nghiêm trọng 80% số còn lại.
"Viêm cân mạc hoại tử" - còn được biết đến với tên gọi căn bệnh ăn thịt người hoặc hội chứng vi khuẩn ăn thịt người, là một dạng nhiễm trùng hiếm gặp các lớp cân mạc và mô nằm sâu dưới da.
Để điều trị, bác sĩ sẽ cắt bỏ những phần mô chết. Tuy nhiên, do khả năng lan rộng rất nhanh của bệnh nhiễm trùng này, đôi khi các bác sĩ buộc phải phẫu thuật liên tiếp để ngăn ngừa căn bệnh hung hãn lan khắp cơ thể.
Trước kia, bệnh thường do một tuýp vi khuẩn streptococcus gây ra. Tuy nhiên, gần đây người ta phát hiện ra loại khuẩn mới kháng thuốc có tên gọi MRSA, gây ra nhiều trường hợp nhiễm trùng khó chữa, và đang tiến hóa trở thành một vi khuẩn siêu kháng thuốc ăn thịt người, thu hút sự chú ý của các chuyên gia y tế thế giới. Loại vi khuẩn này đã tấn công cơ thể Sandy Wilson.
Theo Examiner, cuộc chiến đấu của Sandy bắt đầu sau ca mổ đẻ, ngày 1/4 năm 2005. Ngay lập tức, chị xuất hiện chứng máu đóng cục và đã phải truyền các thành phần máu lấy từ hàng trăm người hiến.
Sau vài tuần, chị được trở về nhà, nhưng chỉ kéo dài 2 ngày. Dịch ứ lại quanh vết mổ và huyết áp của chị tụt nhanh chóng. Chị được chyển ngay đến viện cấp cứu, và vào phòng mổ, nhưng bác sĩ nhanh chóng đóng vết mổ lại khi nhận ra căn bệnh mà chị đang mắc.
Trong hai tuần tiếp đó, Sandy được cho dùng thuốc an thần gây mê, trong khi bác sĩ tiếp tục cắt bỏ những mô bị thối rữa và rút dịch lỏng qua chỗ vết mổ.
"Tôi không thể nhớ nổi số lần đã mổ cho cô ấy, khoảng 40, 50 gì đó. Cứ mỗi khi trở lại, chúng tôi lại thấy đã không kiểm soát được bệnh nhiễm trùng đang lan ra", bác sĩ phẫu thuật cho chị kể lại.
Chỉ sau khi tình trạng của chị ổn định, bác sĩ mới quyết định đánh thức chị khỏi cơn hôn mê để thông báo tình hình. Bên cạnh giường bệnh là chồng chị, gia đình và bạn bè thân thiết nhất. Chị đã sợ rằng con trai mới sinh của mình đã chết. Nhưng cậu bé vẫn sống và khỏe mạnh.
Khi bé Christopher được vài tháng tuổi, bác sĩ đưa Sandy vào phòng cách ly và mang con của chị sang phòng đối diện để chị cảm thấy gần gũi với bé và nhìn thấy bé lớn lên.
"Khi đó tôi đã nghĩ, ổn rồi, con ở đây rồi, con là thật đây rồi. Mình sẽ trở về nhà với con, sẽ tốt hơn thôi".


Xem thêm:

Bức ảnh hồi tháng 4/2005 của Sandy khi người nhà đưa bé Christopher cho chị bé tại trung tâm y tế Anne Arundel. Ảnh: kansascity.
Nhưng, căn bệnh viêm cân mạc hoại tử mới chỉ bắt đầu...
Trong những tuần sau đó, Sandy bắt đầu có các lỗ rò trên cơ thể. Vi khuẩn dần ăn thủng ruột của chị, khiến thức ăn trong đó rỉ ra ngoài da. Trong 2 năm sau đó, chị hoặc là nằm trong trung tâm chống hoại tử, hoặc là trong bệnh viện phục hồi chức năng để cố gắng làm lành vết thương. Gia đình mang bé Christopher đến thăm chị hai tuần một lần.
"Thật là khó khăn vượt sức tưởng tượng", chị Wilson kể lại. "Tôi muốn cho con ăn, tắm cho bé và mặc quần áo cho bé. Muốn dỗ bé khi bé khóc. Tôi từng làm việc trong phòng cấp cứu nhi 11 năm. Tôi đã chờ đợi cả đời để được điều làm này với chính con của mình, để chăm sóc cho nó, và tôi đã không thể".
Sinh nhật đầu tiên của bé Christopher là ở trong bệnh viện phục hồi chức năng. Đến sinh nhật thứ hai, Sandy bị hôn mê cưỡng bức và không thể nhận ra bất kỳ ai, kể cả con mình.
Tình trạng bệnh tật khiến Sandy tuyệt vọng và kiệt sức. Những cơn đau hành hạ triền miên, khiến cho ý nghĩ tự tử đôi khi thấp thoáng trong đầu chị.
Đã có lúc, chị nhờ một y tá, cũng là bạn mình, mang cho chị một chai Tylenol, mà các y tá đều biết rằng sẽ khiến chị tử vong. Sau lần đó, bệnh viện cử người canh gác chị nghiêm ngặt. "Họ không để cô ấy một mình bất kỳ lúc nào nữa", mẹ của Sandy kể lại.
Do nhiễm trùng lan hết vào các nội tạng, đến tháng 12/2006, ruột non của Sandy chỉ còn lại một đoạn nhỏ, và chị bắt đầu xuất hiện các trục trặc ở gan. Giải pháp duy nhất và cũng là mạo hiểm: phẫu thuật cấy ghép ruột non.
Trong gần 500.000 ca ghép ruột thực hiện tại Mỹ trong 2 thập kỷ vừa qua, chỉ có chưa đầy 2.000 người được ghép ruột non. Bác sĩ chỉ thực hiện việc này khi chắc chắn rằng bệnh nhân có thể sẽ chết.
"Tất cả những gì chúng tôi thấy trong ca mổ là bộ ruột với các lỗ chi chít, giống như một búi sâu đã thoát ra khỏi thành bụng", bác sĩ mổ cho chị kể lại. "Thật là tồi tệ".
Bác sĩ đã cắt bỏ phần ruột bệnh còn lại của Sandy và những phần cơ bụng bị thối rữa. Đó là cuộc phẫu thuật triệt để nhất và chị đã phải thở máy trong một tháng sau đó.
Ca phẫu thuật dường như thành công mỹ mãn. Bác sĩ tiếp tục cấy ghép ruột già cho chị. 30 ngày sau đó, kỳ diệu thay, Sandy đã ăn được bữa ăn đầu tiên kể từ tháng 5/2005.
Nhưng bữa ăn này cũng khiến chị trả giá nặng. Sandy viêm phúc mạc nặng đến mức chị phải ăn bằng ống truyền trở lại. Sau bài học đắt giá đó, bác sĩ chọn cách từ từ cho chị tiếp xúc trở lại với các bữa ăn bình thường.

Sandy xuất viện vào tháng 1/2008. Kể từ đó, chị phải trở lại viện để kiểm tra vài lần nữa, nhằm đảm bảo rằng những trận ốm thường kỳ không phải dấu hiệu của việc nhiễm trùng nội tạng. Chị cũng phải thực hiện phẫu thuật ghép da và nối đoạn ruột cấy ghép với phần ruột kết của chính chị. Ca phẫu thuật cuối cùng thực hiện vào tháng 2/2010.
Hồi sinh trở lại, song giờ đây, chị phải dùng thuốc giảm miễn dịch cả đời, hậu quả của một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ăn thịt người. Một nỗi buồn khác là sức ép của thời gian nằm viện lâu dài đã kéo người chồng ra xa khỏi chị. Anh chị cuối cùng đã chia tay, tuy nhiên, mối quan hệ của họ vẫn gắn bó nhờ tình yêu với đứa con trai và sự tôn trọng mà họ dành cho nhau.
VNE
 

Chuyện nhỏ trong nhà Template by Ipietoon Cute Blog Design